Người Hàn Có Sử Dụng Lịch Âm Hay Không?

Hàn Quốc hiện nay đang là một nước có nền công nghiệp phát triển rất mạnh, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây song cho đến nay vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp Á Đông riêng có của dân tộc Hàn. Một trong những nét đặc sắc đó là “Người Hàn ngày nay vẫn sử dụng lịch âm”. Điều này được thể hiện rõ qua văn hóa tết của người Hàn. (Tết dương lịch và tết âm lịch cổ truyền).

Tết dương lịch

Cũng giống như các nước phương Tây khác, tết dương lịch của người Hàn Quốc được tính từ thời khắc giao thừa giữa đêm 31/12 năm cũ dương lịch bước sang những giây phút đầu tiên của sáng ngày mùng 1/1 năm mới dương lịch. Đây là khoảnh khắc mà mọi người nghỉ ngơi sau một năm học tập và làm việc mệt nhọc, căng thẳng. Tuy nhiên, tết dương lịch chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày (đến hết ngày mùng 3) thì mọi người lại tiếp tục các công việc thường ngày của một năm mới.

Tết âm lịch cổ truyền

Đây là tết chính và là đại lễ long trọng nhất trong năm âm lịch cổ truyền của người Hàn.

Trước tiên, TinEdu xin giới thiệu vài nét về âm lịch của người Hàn Quốc.

Trước công nguyên (thời Tam Quốc) người Hàn có thói quen dùng loại lịch dựa trên vòng quay của mặt trăng quanh trái đất (một năm có 12 tháng và 1 tháng có 29 hoặc 30 ngày). Khi cộng thì 1 năm có 354 ngày so với 365 ngày theo lịch dương. Để bù lại sự chênh lệch của 11 ngày này, cứ 33 tháng lại có 1 tháng nhuận 30 ngày gọi là Yundal. Tháng nhuận này được coi là tháng may mắn không có ngày xui.

Người dân Hàn Quốc lựa chọn thời điểm này để tổ chức lễ cưới, lễ khác và những ngày quan trọng của họ đều được tính bằng lịch âm. Đặc biệt, trong văn hóa tết người Hàn đón tết âm lịch long trọng hơn nhiều so với tết dương lịch vì đây mới thực sự là tết cổ truyền của dân tộc Hàn.

Lễ Hội Tết Cổ Truyền Tại Hàn Quốc
Lễ Hội Tết Cổ Truyền Tại Hàn Quốc

Một vài nét đặc trưng trong tết âm lịch cổ truyền Hàn Quốc

Diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch- đại lễ quan trọng nhất trong năm. Theo tiếng hàn gọi là Seol (Won Dan) hoặc theo tiếng Trung gọi là tết Nguyên Đán.

Vào ngày 30 tết tất cả các gia đình đều dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trước buổi tối giao thừa họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Vào đêm giao thừa họ tiến hành nghi thức xua đuổi tà ma thông qua việc đốt các thanh trúc trong và thời khắc giao thừa không ai ngủ cả, vì họ quan niệm rằng nếu ngủ thì sáng hôm sau lông mi sẽ bị bạc trắng và đầu ốc kém minh mẫn.

Trong những tuần giáp tết, người Hàn đặc biệt là các bạn trẻ thường trao đổi bưu thiếp cho nhau để cảm ơn về những quan hệ đã có trong năm cũ và cầu chúc cho nhau một năm mới an lành, hạnh phúc. Riêng đối với những người theo đạo thiên chúa họ còn trao đổi thiệp cho nhau vào ngày lễ Noel (25/12).

Quy định về thời gian nghỉ tết nguyên đán

Theo quy đinh của nhà nước thì các công sở của Hàn Quốc sẽ được nghỉ từ ngày 29 hoặc 30/12 âm lịch cho đến hết ngày mùng 2 tết, có những nơi có thể nghỉ dài hơn tùy vào chức năng, nhiệm vụ của từng nơi. Ngoài ra, có những gia đình không khí tết kéo dài đến qua ngày trăng tròn đầu tiên trong năm.

Vào những ngày tết người dân Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok hoặc lựa chọn cho mình những bộ đồ đẹp nhất để cùng gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trẻ em được thỏa sức tham gia các trò chơi truyền thống: kéo co, thả diều, bập bênh,…

Về ẩm thực

Trước đêm giao thừa người Hàn phải hoàn thành xong các món ăn để dâng lên bàn thờ tổ tiên (có khi tới hơn 20 món) trong đó món chính là món Ttok- kuk. Ngoài ra, còn có các món cá khô, bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô,… Kim chi và món mặn chigae là món không thể thiếu trong dịp này.

Cũng giống như người Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác tết Nguyên Đán cũng chính là dịp để các thành viên xa gia đình trở về tụ họp với gia đình trong bầu không khí hòa thuận an vui.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận chắc chắn một điều là người Hàn vẫn sử dụng lịch âm và hi vọng những thông tin bổ ích trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc.

Lịch sự kiện