Mỗi lần trở về từ chuyến ghé thăm các du học sinh của mình ở Nhật, chúng tôi lại mang theo những trăn trở khác nhau. Nhìn thấy những học trò thuộc mái nhà TinEdu luôn khỏe mạnh, học hành chăm chỉ, có việc làm ổn định tại nơi đất khách quê người, lòng bỗng vui lạ vì chính mình là một phần của sự thành công và giúp sức cho các em thực hiện giấc mơ du học Nhật Bản. Tuy vậy, ở đâu đó nơi sân ga chiều tối, vẫn còn đó những gương mặt đồng hương mệt nhoài tựa vào thành ghế, vừa cầm cuốn sách vừa ngủ gật hay lầm lũi ăn vội mẩu bánh mì bé xíu rồi lại tất tả hòa vào dòng người ngược xuôi, các em – cũng là du học sinh như những du học sinh khác của ngôi nhà chúng tôi, nhưng dường như chung một con đường lại có đến 2 số phận. Tự dưng sống mũi thấy cay cay…
Đã rất nhiều lần chúng tôi được nghe, được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh như thế ngay khi vừa đặt chân đến Nhật. Báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực, lên án có, thương cảm có, nhưng thật sự thì, phải ở vào hoàn cảnh của các em mới có thể hiểu hết những thứ các em đã và đang phải đánh đổi. Có những câu chuyện về cuộc sống của du học sinh Nhật làm thắp lên những mơ ước, khơi dậy hoài bão, nhưng lại cũng có những câu chuyện chỉ nghe đến thôi đã khiến nước mắt đã rơi từ lúc nào không biết.

Suốt chuyến bay về Việt Nam, trong đầu chúng tôi cứ cánh cánh mãi hình ảnh nhìn thấy tại sân ga, vừa thương vừa giận. Ngẫm thấy, bế tắc hay suôn sẻ, thành công là phụ thuộc vào chính bản thân các em.
Bằng cái tâm của người làm du học lâu năm và có trách nhiệm, chúng tôi xin khẳng định cuộc sống du học ở Nhật không phải là một màu hồng như nhiều công ty du học Nhật Bản môi giới “dẫn dụ”, nhưng chắc chắn không phải là một màu đen thăm thẳm, chính xác đó là một màu xanh mơ ước đúng nghĩa. Đất nước Nhật Bản hội tụ đầy đủ những “điều kiện cần” và nhiệm vụ của các em là cố gắng, phấn đấu tìm kiếm “điều kiện đủ” để làm nên một “mệnh đề” cho tương lai hoàn hảo. Phải biết hi sinh, tạm gác lại những mất mát để gặt hái thành công vì vốn dĩ cuộc đời không cho không ta bất cứ điều gì sẵn có cả. Cho dù ở Nhật hay ở ngay trên chính quê nhà, muốn thành công bạn phải luôn cố gắng. Tuy nhiên, cố gắng và hi sinh như thế nào cho đúng đó lại là cả một câu chuyện dài khác.
Có một câu hỏi mà gần đây tổng đài tư vấn của TinEdu thường xuyên nhận được:“Chị ơi cho em hỏi, em nên đi du học hay đi xuất khẩu lao động ở Nhật ạ?”; “Con ơi, đi du học Nhật nó có được đi làm không con?”… Nếu là trước đây, nghe những dòng tâm sự này, chúng tôi sẽ vô cùng bất ngờ khi mà du học chỉ đơn giản là đi học và học, là đầu tư cho tương lai, còn đi xuất khẩu lao động là đi làm việc – hai lựa chọn tưởng chừng chẳng liên quan đến nhau. Nhưng thực tế hiện nay đã khác, để hỗ trợ phần nào cuộc sống của du học sinh, Chính phủ Nhật bản đã có chính sách mới quy định cho phép các em được làm thêm 4 tiếng ngoài giờ học. Đó là hỗ trợ và các em phải hiểu đúng nghĩa của 2 chữ “làm thêm” này: người ta “cho” và chúng ta đang được “nhận”. Quan điểm của TinEdu là luôn ủng hộ việc làm thêm vì không nghĩ đi du học là thuần túy chỉ học, thiết nghĩ không va chạm, không thực tế làm sao các em trưởng thành được, làm sao trở nên cứng cỏi, khôn ngoan trước áp lực cuộc sống? Nếu học mà chẳng hành thì lại một lần nữa dậm chân tại chỗ như ở quê nhà mà thôi. Rồi sau đó, học xong trường tiếng, lên cao đẳng lên đại học cuối cùng cũng làm gì? Cũng là để đi làm kiếm tiền là chính. Vậy thì nói trắng ra, kiếm tiền trong lúc còn đi học hay sau khi học xong về cơ bản cũng như nhau, khác là khác ở chỗ nhận thức của mỗi người về 2 chữ làm thêm và cách thức chúng ta thực hiện nó. Đã bước chân được sang Nhật để đi học, đó đã là một điều may mắn, kiếm tiền để độc lập tài chính là quan trọng nhưng chỉ nên vừa phải và đúng lúc, đúng thời điểm. Vấn đề là, các em vì gánh nặng kinh tế gia đình hoặc chỉ vì đơn giản không thoát khỏi cám dỗ của đồng tiền mà đánh mất những kiến thức đã học, đời người đâu dễ có được lần thứ hai.
Mới đây, trên báo đưa tin Nhật Bản trục xuất hơn 6.000 du học sinh Việt Nam làm quá 28 tiếng/ tuần tại một số công ty hải sản tươi sống, thức ăn nhanh, may mặc, nước uống, nhà hàng ở 4 tỉnh Osaka, Fukuoka, Kagawa,Tokyo. Trong khi pháp luật Nhật Bản chỉ cho phép làm thêm 28 tiếng/tuần thì các em du học sinh này lại làm thêm tới 77 tiếng/tuần. Ở Việt Nam, số giờ lao động theo quy định là không quá 48 tiếng/tuần. Thử hỏi với cường độ làm việc như vậy, chưa kể mỗi ngày học khoảng 4 tiếng trên lớp, các bạn chỉ còn vọn vẻn vài tiếng để ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt, di chuyển… Đương nhiên, cứ cho là các bạn còn trẻ, còn khỏe nhưng một vài ngày còn chịu được, tháng này qua tháng khác thì hỏi tại sao lại có những chuyện thương tâm xảy ra?

Đáng giận nhất là những ai đi du học với ước mơ – hoài bão mãnh liệt chinh phục Nhật Bản, khi đặt chân đến xứ người lại rơi vào vòng cám dỗ vật chất mãi không thể dứt ra được. Ban đầu cũng như người ta, cũng ấp ủ rằng đi du học đương nhiên mục đích chính là học tập, ít nhất là ra khỏi trường tiếng với khả năng tiếng Nhật N2, N1. Vậy mà, chỉ vài tháng, số giờ vắng mặt trên lớp tăng dần, cũng dậy sớm, cũng về khuya đấy nhưng không phải phục vụ cho việc học, không thỏa mãn với 1 job, các bạn lao vào làm job 2 rồi job 3. Nghe thằng A con B về nước dành dụm được đến mấy trăm triệu, nghĩ mình nhất định không thua kém. Nhật Bản là đất nước của việc làm thêm, đương nhiên việc làm không thiếu, chỉ sợ các em không có sức khỏe để làm thôi, và cái giá phải trả là con số không to tướng khi kết thúc 2 năm học trường tiếng. Đến xứ hoa anh đào với vốn tiếng Nhật hạn hẹp, khi trở về cũng chẳng khá là bao. Chúng tôi khuyên nếu có ý định đó, các em hãy chọn lựa đi tu nghiệp đi! Tất cả những gì các em nhận được đâu xứng với những gì đã bỏ ra? Chưa kể đến những rủi ro pháp lí đeo đẳng, du học không phải là phương pháp tối ưu để kiếm tiền như nhiều công ty môi giới quảng bá. Nhớ nhé!
Rồi thì đến những câu chuyện đau lòng mà chúng tôi không muốn nhắc đến, bài toán “ trả nợ” muôn thuở của đa phần du học sinh. Thỉnh thoảng vẫn nghe các em ngây thơ tâm sự rằng “Qua đó đi làm, em có thể kiếm tiền về trả nợ, gia đình em phải vay mượn khắp nơi để lo cho em”. Vâng, các em rất có bản lĩnh, rất có nghị lực, chúng tôi hết sức trân trọng điều đó. Mỗi khi chắp cánh ước mơ thành công cho một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn có thể đến Nhật học tập, văn phòng chúng tôi lại ngập tràn tiếng cười của các thành viên TinEdu. Gần như mọi lúc, mọi nơi, trước khi xuất cảnh chúng tôi liên tục dặn dò các em rằng:“1 ngày chỉ được làm 4 tiếng”. Chúng tôi tin không chỉ riêng mình, tất cả những ai làm du học có tâm điều muốn các bạn hiểu, dù có bất cứ lí do nào đi chăng nữa thì việc học vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Vậy mà đâu đó trên báo đài vẫn có câu chuyện thương tâm: đột quỵ vì quá sức. Các em còn quá trẻ, đường tương lai chỉ mới bắt đầu, gần 1, 2 năm trời chưa một lần về thăm cha mẹ, để giờ kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, những khoản nợ chưa trả giờ lại chồng chất. Có những lần cầm trên tay mẩu tin gia đình người Việt loay hoay lo chi phí mang xác du học sinh về, chúng tôi gấp vội tờ báo, rồi chẳng ai nói gì, thấy sống mũi lại cay cay… Các em cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, cũng chạc tuổi những đứa em, đứa con của chúng tôi, hằng ngày vẫn còn xin tiền tiêu vặt, rất thích ăn hàng và mê ngủ nướng, ăn- ngủ – nghỉ là những nhu cầu hết sức tất yếu, lại thêm tuổi trẻ cơ thể đang phát triển mà? Còn các em, hằng ngày tất bật với việc học, tan trường lao đầu vào làm thêm, tiếng Nhật còn hạn chế chỉ có thể làm những công việc đơn giản như phục vụ, bồi bàn, chế biến rau củ… vốn dĩ cũng chẳng có gì là quá sức nếu đúng 4 tiếng theo quy định. Thế nhưng vì luôn canh cánh nỗi lo nợ nần, các em làm chui, tăng ca đêm, đứng suốt từ 6 đến 8 tiếng liền nhau; đi bộ kéo hàng hóa cả đoạn đường dài không nghỉ; ăn uống bữa thì mỳ tôm, bữa thì bánh mì; đau ốm bệnh tật cũng không dám nghỉ vì sợ mất việc hay đuổi học. Những ngày trời trở lạnh, đường phố Nhật đầy tuyết, ngồi co ro rớt nước mắt thèm bữa cơm mẹ nấu quá, trời ơi!!! Vậy nên mới có những câu chuyện du học sinh ăn cơm chan nước mắt. Nhiều lúc chúng tôi cảm tưởng mình như đang còn trong thời buổi chiến tranh, các em đi đánh trận chứ không phải đi du học, người ta đi đánh trận còn thay phiên canh cho đồng đội ngủ, các em không phải còn khổ hơn sao? Con người chứ không phải rô-bốt, làm sao cơ thể có thể chịu nổi cơ chứ! Du học từ một việc đẹp đẽ lại trở nên trần trụi xấu xí vì những sự việc này đây.

Thực tế mà nói, việc làm thêm cho du học sinh theo đúng quy định hoàn toàn có thể giúp các em chi trả chi phí sinh hoạt, vui chơi, và thậm chí là tiết kiệm để đóng học phí cho năm sau nếu như không ăn xài quá phung phí. Tuy nhiên, để trả những khoản nợ vay “nóng” trong thời gian ngắn là điều không tưởng, nên đừng quá tin vào những lời đường mật của kẻ thứ ba về một cuộc sống màu hồng ngay khi đặt chân đến Nhật Bản. Nếu các em tìm đúng đến những người làm du học có cái tâm, trước khi bước chân sang xứ người, các em đã hoạch định được lộ trình cho riêng mình, biết rõ cái nào nên đánh đổi và cái nào không, biết quý giá, trân trọng 2 chữ du học, lúc đó chắc hẳn sẽ không còn những câu chuyện buồn.
Ở TinEdu nhiều cái buồn cười lắm, các em xem chúng tôi như một gia đình nên mỗi lần gọi về từ Nhật, các em ngây thơ selfile, huyên thuyên chuyện phòng ốc, chỗ ngủ một hồi lâu mới chợt nhớ: “nhắn dùm ba em là em vẫn khỏe”. Vậy mới thấy, các em còn trẻ con lắm. Nên chúng tôi biết, ngay cả khi các em đã sang đó ổn định, thỉnh thoảng vài lời hỏi han động viên kịp lúc của cũng tiếp thêm sức mạnh cho các em vượt qua cám dỗ.
Việc gì cũng có hai mặt, chúng tôi đã chứng kiến nhiều bạn trở thành những gương sáng điển hình tại Nhật, học giỏi, làm giỏi ra trường với bằng N2, N1 rồi học Cao đẳng, Đại học ngon ơ. Các em ấy đa phần đều không đồng tình với những than thở về cuộc sống tại Nhật. Trong mắt mọi người, đó là những thanh niên “may mắn”, nhưng trong mắt chúng tôi đó đơn giản là những người hết sức bản lĩnh. Chúng tôi là người theo các em từ lúc chập chững “a, i ư” học bảng chữ cái tiếng Nhật cho đến khi học xong ra trường đi làm lương cao chót vót. May mắn hay không đều do mình, đi du học là phải chấp nhận thiệt hơn ở nhà, thiệt tới mức độ như thế nào thì tự mỗi người phải biết cách thích ứng và vượt qua, chủ động trong mọi tình huống, tự tạo cơ hội cho bản thân, không vì những cái lợi trước mắt mà đánh đổi cả tương lai, sức khỏe. Một con người như vậy mới thực sự là người bản lĩnh, được nhiều người nể phục. Con đường đi đầy chông gai thuở ban đầu thì chắc chắn sẽ trải nhiều hoa hồng ở phía cuối. Độc lập về tài chính và tiết kiệm được tiền hết sẽ hết sức đơn giản khi các em đã trở nên hòa nhập. Nhật Bản là đất nước rất đông người ngoại quốc nhưng cực kì coi trọng quốc ngữ, mọi sự giao tiếp trong nhiều tầng lớp xã hội đều sử dụng tiếng Nhật, rất ít khi dùng tiếng Anh. Không ai muốn thuê một người không hiểu họ nói gì, chỉ cần hiểu được họ sẽ dễ dàng bắt nhịp với guồng sống nhộn nhịp thôi. Với khả năng tiếng Nhật tương đối tốt, lương trung bình lên đến vài trăm ngàn Yên là chuyện bình thường. Vì vậy, các em sang Nhật hãy cứ cố tích lũy kiến thức tiếng Nhật thật tốt trước đã, đó sẽ là hành trang duy nhất giúp các em sống tốt – học tốt tại đây. Mặc dù người ta nói tiếng Nhật thật sự rất khó và tốc độ nói cũng rất nhanh, nhưng chỉ cần 6 tháng đến một năm tập trung, môi trường đã có sẵn, các em nhanh nhẹn tự học hỏi cộng thêm những giờ học trên trường, TinEdu cam đoan giao tiếp với người bản xứ chỉ là chuyện nhỏ. Rồi làm thêm, thi vào Cao đẳng, Đại học, độc lập về kinh tế ở tuổi đôi mươi cũng là điều quá đỗi bình thường.
Đôi dòng tâm sự trên đây chúng tôi viết về một vấn đề không mới nhưng không bao giờ quá cũ, luôn nhức nhối. Dưới góc độ của những người làm du học lâu năm, chúng tôi hiểu hết tất tần tật những thứ đã và đang xảy ra với các em. Nhưng thay vì nói lời hoa mỹ, chúng tôi gửi đến các em những trăn trở thật tâm của người trong nghề. Trước trào lưu đi du học hiện nay, các em hẳn đang hoang mang vì Nhật Bản thần tiên trong phim truyện không giống như miêu tả phải không? Đó là sự thật nhưng xin nhấn mạnh lại lần nữa với những thanh niên đang ấp ủ giấc mơ Nhậ, hãy mạnh mẽ lên, xứ mặt trời mọc chưa bao giờ là sự lựa chọn sai với các bạn trẻ có nghị lực và định hướng đúng đắn. Điều quan trọng là ngay từ bây giờ, các em phải tập sống tự lập và có chính kiến, tìm được địa chỉ tin cậy để gửi gắm giấc mơ. Bởi đây là sẽ là nơi giúp các em có sự chuẩn bị hoàn hảo và đồng hành mãi mãi trên con đường chinh phục Nhật Bản. Cùng một con đường nhưng chắc chắn sẽ có đến 2 số phận, phải luôn tỉnh táo để biết mình sẽ làm gì, sẽ đánh đổi cái gì, hãy thực hiện ước mơ theo cách khôn ngoan và an toàn nhất nhé. Thân!